Boom Potty story – câu chuyện về tình yêu của một ông bố

Gửi các ông bố, bà mẹ bỉm sữa,

Chúc mừng bạn đã chào đón thiên thần bé nhỏ. Như bao ông bố bà mẹ có con đâu lòng khác, vợ chồng tôi cũng vô cùng háo hức và hồi hộp chuẩn bị cho sự ra đời của con trai đầu lòng – chúng tôi đặt Nickname cho con là Boom, mặc dù hai vợ chồng đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ, tra cứu từ internet, mua sách vở, giao lưu học hỏi kinh nghiệm bạn bè, người thân… nhưng thực tế khác nhiều và có rất nhiều bỡ ngỡ khó khăn gặp phải khi chăm sóc cho con. Tôi từng bước vượt qua các thử thách từ việc tắm cho con ngay sau khi xuất viện, ru con ngủ, cho con bú bình… nhưng có lẽ khó khăn nhất là xử lý khi con ị.

 

Đặc biệt khi con bắt đầu ăn dặm, mỗi lần con ị rất nhiều và có mùi hơn, vệ sinh cho con rất vất vả. Hai vợ chồng tôi phải phối hợp với nhau đưa con vào nhà vệ sinh để một người bế một người rửa. Là một người khá sợ bẩn và thú thật là lười lao động chân tay, tôi thấy cách vệ sinh cho con thế này thật bất tiện, tôi đã cố tìm xem có cách nào khác hay dụng cụ nào thuận tiện hơn cho việc về sinh cho bé hay không. Tìm trên Google, Youtube bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật… tôi đều không tìm được ra phương pháp hay dụng cụ mình ưng ý.

Ban đầu khi con còn bé, có thể dùng khăn ướt để lau. Lúc bé còn nhỏ và nằm ngửa thì còn tạm ổn. Đến khi bé sản xuất ra 1 bãi to thì đôi khi dùng nửa hộp khăn cũng chưa lau hết. Khi bé biết lật, biết bò, biết đi và hiếu động thì bố mẹ vật lộn để vừa giữ bé vừa lau. Có khi con khóc không chịu nằm im và dây bẩn khắp nơi.

Truyền thống nhất vẫn là một chậu nước để nhúng đít em bé vào. Bố mẹ loay hoay bế bé và rửa đi rửa lại trong chính nước cứt của mình. Eo ôi! Sau đó bố mẹ lại phải đổ nước bẩn và cọ rửa chậu.

Khi em bé cứng cáp thì cho đứng ở sàn phòng tắm và dùng vòi nước rửa. Phân trôi theo dòng nước xuống cống, nhưng chân của em bé và chân bố mẹ đều dính bẩn theo. Sau mỗi lần như vậy gần như phải tắm nửa người cho con, cọ rửa lại sàn nhà. Cách này tôi thấy mất nhiều thời gian và cũng rất mất vệ sinh. Phòng tắm sẽ còn mùi, nguy cơ lây lan bệnh tật (thoát rửa cho nhà tắm không được thiết kế cho thoát phân).

Tối ưu nhất là cho bé ngồi thẳng lên bệ toilet để xịt nước. Nhưng khi bé nhỏ thì phải có 2 người giữ. Còn không phải bé lớn mới ngồi chủ động được.

Với tình yêu dành cho con và tâm tưởng ấm ức mỗi khi phải rửa đít cho con một cách khó nhọc công thêm là người thích sáng tạo, trong một dịp đi nghỉ tôi đã phác thảo bản vẽ đầu tiên của chiếc bô rửa đít cho Boom. Tưởng rằng chỉ để đó cho vui, nhưng càng rửa đít cho con càng bức xúc và nhận ra đây cũng là một cơ hội để làm một sản phẩm mới, giúp ích rất nhiều cho các ông bố bà mẹ chăm con nhỏ, một sản phẩm có thể thay đổi thói quen cả 100 năm không những ở Việt nam mà trên toàn thế giới. Suy nghĩ đó đã thúc đẩy tôi quyết tâm làm bô không chỉ cho con mà là cho cộng đồng.

Để sản xuất ra một sản phẩm đã khó, đây lại là nghiên cứu và phát triển một sản phẩm mới hoàn toàn, không thuộc lĩnh vực của mình (tôi là kỹ sư Điện) thì đúng là vô cùng khó khăn. Tôi mua đất sét về nặn hình bô (thất bại), tội tự học vẽ phần mềm 3D (thất bại – vì mình không đủ thời gian và kiên nhẫn để làm việc này), tôi tra cứu giải phẫu học em bé từ 6 tháng đến 3 tuổi, tìm mua mô hình trẻ, tìm người vẽ 3D. Tôi tìm người làm ép nhựa để học hỏi kiến thức về nhựa – tôi biết thế nào là nhựa PP, nhựa ABS, nhựa nguyên sinh, tái sinh, tỷ trọng, nhiệt dung… Tôi tìm người làm khuôn – tôi biết đâu là phần cối, phần chầy, thiết kế sản phẩm làm sao để rút khuôn, độ dây mỏng của nhựa, phân tích trọng lực tuổi thọ độ bền sản phẩm. Tôi tìm hiểu về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói. Làm bảo hộ kiểu dáng công nghiệm, bảo họ sáng chế sản phẩm… Sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, chính xác là sau 16 tháng thì con tôi đươc thử nghiệm lần đầu sử dụng bô mô hình được in bằng 3D và kết quả thật tuyệt vời! Ngay lập tức bô mô hình đã được vận hành 100% công suất cho tất cả những lần con tôi ị. Đi đâu về ông bà, đi du lịch, chung tôi đều mang Bô mô hình theo – chúng tôi đùa rằng Boom được xài một chiếc bô đắt nhất thế giới vì in 3D chiếc bô mô hình có giá gần 10 triệu đồng 

Từ sản phẩm mô hình (prototype) đi đến sản xuất công nghiệp hàng loạt lại là một chặng đường dài, thêm 3 chiếc bô mô hình tiếp theo đã được in thử, không biết bao nhiêu lần vác bô mô hình đi thử nghiệm ở các em bé độ tuổi khác nhau, bao nhiêu lần điều chỉnh thiết kế, tham gia các hội chợ về công nghiệp nhựa, kết nối những chuyên gia trong lĩnh vực khuôn ép và sản xuất nhựa, thêm những tư vấn và kiến thức để hoàn thiện sản phẩm. Sau hơn 2 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm bô đã dần hoàn thành cùng với sự trưởng thành của bé Boom. Tôi lấy nickname của con trai tôi để đặt tên cho bô là Bô Boom Potty. Đến nay, hàng ngày mỗi khi rửa đít Boom đều vui sướng ngồi lên bô và cả nhà đều thấy rửa thật thoải mái và dễ dàng, sạch sẽ. Boom luôn tự hào chỉ vào và nói “Bô Boom”.

Tôi xin gửi lời cảm ở chân thành tới những người giúp tôi rất nhiều để thực hiện ý tưởng này.

– Em Nguyễn Văn Hiệp – kỹ sư cơ khí Đại học Bách Khoa Hà Nội

– Anh Vương Thu – cựu nhân viên Viện hàn lâm công nghệ Việt Nam

– Anh Vũ Hoài Nam – Cựu giám đốc kỹ thuật Công ty nhựa Hàng Không

Đặc biệt cảm ơn Vợ tôi, người luôn động viên tôi mặc cho bao nhiêu lời dè bỉu, những ánh mắt ái ngại cho một sản phẩm “không cần thiết”. Tất nhiên, phải cảm ơn chàng trai Boom nhà tôi, con là nguồn cảm hứng và là một người mẫu, người thử nghiệm tích cực nhất cho tác phẩm này.

Tôi tự hào làm người nghiên cứu và sản xuất ra một sản phẩm “Made in Viet Nam”, giúp cho các ông bố bà mẹ bỉm sữa có thể vệ sinh cho con mình một cách dễ dàng, tiện dụng và góp một phần công sức cho xã hội ngày càng tốt đẹp, sạch sẽ và hiện đại hơn.

Fanpage: https://www.facebook.com/boruaditboompotty/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCNOTF-qVeQeFSuR4WornxLg

Yêu thương,

Bố Boom